Ai đó đã nói “mốt” là sự xoay vòng, qua thời gian, người ta lại quay về thích thú với những gì đã bị lãng quên. Xăm mình - một cách làm đẹp của những người có cá tính mạnh, của tuổi trẻ nổi loạn và của nền văn hoá pop hiện đại thực chất đã xuất hiện từ những năm 1930 và thịnh hành tới thập niên 1950 mới chìm vào yên ắng một thời gian.
Vì vậy, xăm hình nghệ thuật không phải một hiện tượng văn hoá gì mới mẻ và phụ nữ từ những năm 1920 đã bắt đầu thử nghiệm với phong cách xăm toàn thân.
Những bức ảnh đen trắng được chụp năm 1926 tại Mỹ, năm 1930 tại Anh, hay năm 1946 tại Nhật cho thấy phụ nữ từ Đông sang Tây đã mạnh dạn thử nghiệm với xăm toàn thân từ rất lâu rồi. Họ là những người đi tiên phong trong môn nghệ thuật làm đẹp đau đớn này.
Một phụ nữ Mỹ khác ở quận Bronx thuộc thành phố New York (1926)
Năm 1991, các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng cho thấy xăm mình đã xuất hiện từ năm 3300 trước Công nguyên khi họ tìm thấy một xác ướp ở thời kỳ Đồ Đồng đã có những chi tiết xăm trên cơ thể. Tuy vậy, nghệ thuật xăm chỉ thực sự phổ biến bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên tại Nhật Bản với mục đích làm đẹp, yểm bùa, làm phép hoặc thích lên mặt tù nhân như một hình phạt.
Những phụ nữ hoàng gia và quý tộc của Nhật thường mặc kimono quý phái, rực rỡ và đẹp mắt còn những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động chỉ được phép mặc những bộ kimono tối màu và giản dị, vì vậy họ làm đẹp cho mình với những chiếc kimono sặc sỡ bằng “da”. Họ xăm toàn thân hoặc bán thân với các hoạt tiết chạy từ cổ kéo dài cho tới khuỷu tay hoặc mắt cá chân như một bộ xiêm y rực rỡ.
Những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động ở Nhật “nổi loạn” bằng cách xăm mình
Tuy vậy chính quyền Nhật coi hành động này là một mối đe doạ đối với thuần phong mỹ tục và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Nhật nên đã đưa xăm trổ vào một trong những hoạt động bất hợp pháp kể từ năm 1870 khi nước này bắt đầu bước vào thời kỳ mở cửa thương mại. Từ đó, những người chuyên làm nghề xăm trổ phải hoạt động lén lút, bí mật. Trong những năm 1940, xăm trổ càng trở thành một trào lưu nghệ thuật bởi nó thể hiện nội tâm, đức tin và tình cảm của người xăm bằng những hoạ tiết đẹp mắt.
Cuối những năm 1920, các gánh xiếc tại Mỹ và đặc biệt là tại thành phố New York đã thuê những người phụ nữ có xăm hình nghệ thuật toàn thân để làm hoạt náo viên và trả cho họ mức lương “khủng” 200 đô la một tuần.
Một hoạt náo viên xăm toàn thân (1947)
Sau đó xăm bắt đầu trở thành trào lưu phổ biến ở nhiều nước Châu Âu và được cho là bắt nguồn từ các thổ dân da đỏ của Mỹ.
Từ “tattoo” (xăm) trong tiếng Anh là biến âm từ từ “tattau” trong tiếng Tahiti, nghĩa là “đánh dấu” và được nhắc tới lần đầu tiên trong cuốn nhật trình của nhà thám hiểm James Cook năm 1769 khi ông thám hiểm ở khu vực nam Thái Bình Dương.
Cô gái người Anh xăm hình con rồng (1930)
Xăm được coi là một môn nghệ thuật ngoại lai tại các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Những thổ dân da đỏ xăm mình thường thu hút sự hiếu kỳ của đám đông tại các gánh xiếc và các hội chợ hồi thế kỷ 18 và 19.
Nhà phát minh người Mỹ Samuel O’Reilly đã thiết kế ra chiếc máy xăm điện đầu tiên vào năm 1891, đánh dấu giai đoạn mới của kỹ thuật xăm và đưa phương pháp xăm truyền thống của Nhật vào dĩ vãng.
Xăm hiện đại
Kể từ đây, xăm hình nghệ thuật bắt đầu phổ biến với những phương pháp xăm má hồng, môi đỏ, lông mày và thậm chí viền mí mắt. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và hình thành nên một phong cách mới với những hình xăm vừa và nhỏ mang tính khiêu khích, ngổ ngáo hoặc thể hiện sự dũng cảm, can trường trong thời kỳ đen tối của cuộc chiến tranh.
Đăng nhận xét