Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN

Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN
Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN

Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN




Trong Lịch sử Cải Lương, năm 1927, với sự thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban, là một năm đáng ghi nhớ vì sự chuyển mình về hình thức và nội dung rất quan trọng. Rất nhiều chuyên gia viết về Lịch sử Cải Lương thường lướt qua năm 1927 và ghi tên của gánh Cải lương Đồng Nữ Ban, mà không ngờ rằng gánh này không phải là một gánh Cải lương thường như Văn Hý Ban hay Tập Ích Ban.

Gánh này rất đặc biệt về hình thức lẫn nội dung. Chúng tôi chỉ ghi lại những nét đặc thù khó tìm trong một gánh Cải lương khác.

I. Diễn viên Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


1. Toàn thể diễn viên là những người thôn nữ chưa bao giờ biết nghề hay có lên sân khấu. Do đó, gánh hát mang tên Đồng Nữ Ban. Các chị xuất phát từ những gia đình nông dân, có một vài chị con nhà khá giả, cha mẹ có sự nhận định khách quan đối với nghệ thuật sân khấu, nên bằng lòng cho con đi học hát Cải Lương với bà Ba Viện (tức là bà Trần Ngọc Viện), một giảng viên về Khoa Gia Chánh tại Trường Nữ Học Đường (tiền thân của Trường Gia Long hay Nguyễn Thị Minh Khai), bị sa thải sau khi dự đám táng và để tang Cụ Phan Chu Trinh (một nhà chiến sĩ chống Pháp thời bấy giờ).

2. Các diễn viên được đào tạo về nghề nghiệp, nhưng bắt buộc phải học văn hóa như những học sinh trường tiểu học. Và học võ thật sự với một người thầy võ Bình Định.

3. Thời khóa biểu rất chặt chẽ trong cả tuần, nên các diễn viên phải tuân theo kỷ luật được đặt ra:

- Trong nhà thì các diễn viên mặc áo bà ba, nhưng khi ra đường (đến rạp hát, đi chợ …) thì phải mặc áo dài tím (như Nữ sinh trường Áo Tím).

- Tóc bỏ xõa và kẹp sau lưng, phải sắp hàng hai.

- Các diễn viên sống chung với nhau và theo qui định của những học sinh nội trú: ăn, ngủ, học (văn hóa, ca, múa, võ thuật…), làm việc theo thời gian đã định.

II. Sân Khấu Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


- Một họa sĩ được mời vẽ bức phông và cánh gà đặc biệt cho mỗi màn. Họa sĩ phải biết rõ nội dung vở Tuồng để tạo ra những tấm phông có tính chất nghệ thuật như một bức tranh lớn. Họa sĩ được mời xem những lớp Tuồng trong lúc tập luyện để thấm nhuần tinh thần của cốt chuyện trước khi vẽ.

- Giữa các lớp (hồi) một tấm màn nhung đỏ được kéo ngang để che cả sân khấu, trong lúc dọn màn, dàn nhạc đánh các bản truyền thống Việt Nam, chớ không được đánh các bản Tây như trong những gánh hát khác.

- Ánh sáng được thiết kế như các rạp hát lớn để làm nổi bật các diễn viên.

III. Trang phục và đạo cụ:

- Xiêm y của các vai do cô Ba Viện thiết kế và sáng tạo. Cô may, thêu thùa rất khéo, nên cô đã tạo ra những bộ đồ võ cho vai Võ Đông Sơ, không phải như áo giáp của Hát Bội, cũng không như đồ lụa của Hát Quảng, Hát Tiều, mà những trang phục mang tính chất Việt Nam. Màu sắc cũng được chọn lựa rất kỹ, phù hợp với tranh cảnh.

- Trên sân khấu, ngoài bàn ghế còn có những đạo cụ thường dùng cho sân khấu Việt Nam như cờ, phướn, quạt… màu sắc phù hợp với xiêm y.

- Khi có dịp đấu võ thì dùng gươm, giáo, kích, đoản đao, song kiếm, côn, gậy và lăn khiêng … được dùng trong giới võ thuật. Chớ không dùng đồ giả như trong các gánh hát khác.

IV. Âm nhạc phụ họa Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


- Dàn nhạc phụ họa gồm có: đàn Kìm, đàn Cò, đàn Sến, ống Sáo, ống Tiêu.

Vì diễn viên toàn là nữ nên dây đàn không lên theo hai bực phù hợp cho giọng nam hay giọng nữ, mà phù hợp cho mỗi diễn viên. Cô Ba Viện khi dạy hát đã biết rõ người nào hợp với giọng cao cỡ nào và cô có trong tay một ống Thiều để trước khi diễn viên chánh xuất hiện, có nhiều bài ca thì dàn nhạc phải lên dây theo cao độ của cô Ba từ ống Thiều thổi ra.

Hầu hết các bài bản trong Đờn ca Tài tử đều được dùng.

- Bản “Dạ cổ hoài lang” có mặt nhưng không được dùng nhiều. Cậu Năm Nguyễn Tri Khương có đặt thêm những bài khác, tuy là nhạc mới mà âm hưởng không khác gì các bài bản cổ.

- Bài “Yến tước tranh ngôn” (chim én và chim sẻ cãi lộn nhau) viết theo hơi Bắc, cho vai công tử Trương Bích (hoặc cũng có thể gọi là Vương Bích) đang băn khoăn không biết lời cầu hôn của cậu có được gia đình Bạch Thu Hà chấp nhận không?

- Bài “Phong xuy trịch liễu” (gió thổi làm oằn cây liễu) viết theo hơi bài Xuân Nữ, mà tiết tấu dồn dập, có nhiều đảo phách (nhịp ngoại) cho vai Bạch Thu Hà ca lúc bị ăn cướp rượt trên rừng. Cậu Năm Khương nói rằng bài ca mới này giọng buồn mà nhịp rộn ràng “cấp điệu” như bài Nam Tẩu (hay Nam chạy) trong Hát Bội.

- Bài “Thất trĩ bi hùng” (mất con chim mái làm buồn lòng con chim trống) viết theo hơi Nam, có pha một đôi câu hơi Xuân, rồi trở lại Nam, theo phong cách bán Xuân bán Ai trong hát Bội. Viết cho vai công tử Trương Bích than thân và trách Bạch Thu Hà đã phụ tình. Bài có 4 lớp:

+ Lớp 1: gọi là lớp Hò, toàn hơi Ai.

+ Lớp 2: cũng toàn hơi Ai, nhưng có nhiều chữ “xư”, nên gọi là lớp xư.

Giữa lớp 2 và 3 có bài “Lý tam thất” (là Lý con sáo, ca theo nhịp đuổi, tiết tấu mau) viết cho vai tiểu đồng Chỏi, lời lẽ rất bình dân.

+ Lớp 3: cũng gọi là lớp bán Xuân bán Ai (có một đoạn Trương Bích vừa buồn, vừa giận, chuyển qua hơi Xuân, rồi trở lại hơi Ai, khi tội nghiệp Bạch Thu Hà không biết lưu lạc nơi nào).

Tiếp theo là bài “Lý tam thất” viết cho vai tiểu đồng Chanh, lời lẽ chải chuốt.

+ Lớp 4: cũng gọi là lớp chót, viết theo hơi Ai và những câu ca chậm lần đến câu chót.

- Bài “Bắc cung ai” viết theo hơi bài “Ai Giang Nam” cổ nhạc Huế, hơi Nam, thỉnh thoảng có pha hơi Dựng, viết cho vai Bạch Thu Hà than thân trách phận trước khi định quyên sinh để trọng tình với Võ Đông Sơ.

Tiếc rằng, tuồng “Giọt lệ chung tình” chỉ diễn được không tới một năm và gánh Đồng Nữ bị mật thám của Pháp tình nghi là gánh hát của cách mạng, nên lấy lại giấy phép cho lập gánh. Sau thời gian đi lưu diễn từ làng Vĩnh Kim qua các làng lân cận, khi lên diễn tại Sài Gòn được mấy đêm gánh hát phải giải tán, nên 4 bài ca đó không được phổ biến, kể cả giới Cải Lương nhà nghề cũng không ai biết. Tôi đang chuẩn bị ghi chép lời nhạc của 4 bản đó, để giới thiệu cho những diễn viên và nhạc sĩ trẻ biết, họa chăng những bài bản sáng tác rất hay không bị chìm vào quên lãng.

V. Tập Tuồng và lên sân khấu Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


Vì tất cả diễn viên đều là những thôn nữ, không thuộc nhà nghề, nên cô Ba Viện phải dạy tất cả.

1. Dạy ca từ những bản dễ hơi Bắc, hơi Quảng, đến những bài khó hơi Hạ (hơi Nhạc), hơi Xuân, hơi Ai và hơi Oán. Tất cả các bài ca của mỗi vai đều được học thuộc lòng, phát âm phải rõ ràng, tròn vành rõ chữ, các hơi trong nhạc phải được thể hiện chính xác, nhịp nhàng phải giữ kỹ.

2. Khi thuộc lời ca, không còn lạc hơi, sai nhịp, thì phải học “làm màu”, lúc nào vui, lúc nào giận, lúc nào buồn, sợ hãi…, phải tập thể hiện tình cảm bằng đôi mắt, rồi đến các bộ điệu.

3. Tập ca có đờn phụ họa, phải biết nghe rõ tiếng Song lang để vào bản và kết thúc.

4. Tập vừa ca, vừa ra bộ và di chuyển trên sân khấu.





Đó là những vai thuộc về Văn. Những vai Võ thì ngoài việc biết ca, làm màu, phải học võ: học “trụ bộ”, đứng tấn, biết đi đường “quyền”, biết sử dụng khí giới, múa gươm, múa giáo, đoản côn, trường côn, song kiếm… Trong những màn có cuộc tranh tài đọ sức thì phải dùng khí giới thật, nên những bài của thầy sắp đặt phải theo từng li từng tí, khó nhất là tuy đánh giả mà phải cho người xem cảm giác đánh thật.

Kỷ luật rất nghiêm, những giờ tập Tuồng đã ghi trên thời khóa biểu, tất cả diễn viên đều phải có mặt, trừ những trường hợp bất khả kháng. Thời gian luyện tập khá nhiều, cô Ba Viện tuy thông cảm với trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các diễn viên, nhưng cũng còn giữ tính cầu toàn nên đòi hỏi các diễn viên phải luyện tập nhiều hơn thường.

Mỗi đêm khi lên sân khấu, diễn viên phải tụ họp lại trước, tất cả đều mặc áo dài tím như đồng phục của sinh viên trường Áo Tím, tóc kẹp suôn, sắp hàng hai, đi bộ từ nhà tới rạp, có bốn người võ sĩ bảo vệ. Khi vào hậu trường, mỗi diễn viên phải biết tự lo trang điểm và dậm mặt, 5 phút trước khi ra Tuồng phải đứng sẵn sàng tại cánh gà. Hết lớp Tuồng phải trở về phòng trang điểm để nếu cần, biết chỗ đi gọi. Sau khi hạ màn chót, trang phục phải xếp kỹ rồi lại mặc áo dài, kẹp tóc, sắp hàng hai đi về nhà hay xuống chiếc ghe chài lớn dùng cho việc ăn ở và di chuyển khi lưu diễn.

VI. Kịch bản các vở Tuồng Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


Để ra mắt gánh hát, cô Ba Viện và cậu Năm Khương đồng ý viết kịch bản dựa theo tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” của ông Nguyễn Hữu Ngỡi (Nghĩa) và đặt tên lại là “Giọt lệ chung tình”. Tên các nhân vật chánh cũng thay đổi như Võ Đông Sơ (để nguyên); Bạch Thu Hà đổi thành Bạch Thanh Hà; Bạch Thiên Hương (anh của Bạch Thu Hà) đổi là Bạch Xuân Phương; Vương Bích đổi là Trương Bích…

Cốt chuyện là một mối tình cao thượng giữa Bạch Thu Hà và Võ Đông Sơ. Trong buổi lên chùa lễ Phật, Bạch Thu Hà bị một tên cường đồ cướp nữ trang, Võ Đông Sơ đánh tên cướp, lấy lại nữ trang và trao cho chủ nhân, Bạch Thu Hà cám ơn nghĩa cử của Võ Đông Sơ. Trong lúc đối thoại thấy chàng chẳng những khôi ngô tuấn tú, mà học rộng tài cao, văn võ toàn tài, nên đem lòng cảm mến và để cám ơn Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà trao chiếc trâm và có lời thề non hẹn biển, trao đá đổi vàng. Trong trường thi có môn bắn tên, Võ Đông Sơ bắn trúng hồng tâm 3 mũi, trong khi Bạch Thiên Hương chỉ bắn trúng 2 mũi. Võ Đông Sơ được chức Võ trạng, Bạch Thiên Hương xin đấu chiến với Võ Đông Sơ, các quan giám khảo nói rằng nhà vua không cho phép giao thương, Bạch Thiên Hương tức giận về nhà nét mặt đằng đằng sát khí. Bạch Thu Hà khuyên giải anh bớt giận, Bạch Thiên Hương lại cho Bạch Thu Hà biết rằng cha vừa khuất sớm thì lấy quyền huynh thế phụ bằng lòng gả em gái cho một anh chàng công tử bột con nhà giàu, tên là Vương Bích. Bạch Thu Hà thối thoát, viện lẽ chưa mãn tang cha, nhưng Bạch Thiên Hương nhất định cho làm đám cưới, Bạch Thu Hà muốn trọn tình với Võ Đông Sơ, phải bỏ nhà ra đi, trên đường gặp nhiều cảnh khó khăn như cọp rượt ; bị bọn cướp bắt về trại, chủ trại thấy Bạch Thu Hà đẹp nên xin cưới Bạch Thu Hà, một lần nữa Bạch Thu Hà định trốn đi mà không được, nên có ý quyên sinh. Võ Đông Sơ đậu trạng, đi tuần thú, gặp chủ trại của bọn cướp là Triệu Dõng, một người bạn cố tri. Khi biết rõ câu chuyện tình của bạn thì Triệu Dõng bỏ ý định xin cưới Bạch Thu Hà, để trai tài gái sắc gặp gỡ nhau.

Vở Tuồng “Giọt lệ chung tình” kết thúc nơi đây để khán giả vui vẻ ra về, vì Bạch Thu Hà tránh được cuộc ép duyên của người anh và mối tình say mê của một tướng cướp, gặp lại được người tình cũ nghĩa xưa.

Lời văn trong Tuồng rất trau chuốt, phần nhiều là văn biền ngẫu, lời lẽ rất hùng hồn, có những đoạn đối với hoàn cảnh Nước Việt Nam, thuộc địa của Pháp, bị cho là có tính chất “cách mạng” chống Pháp. Như khi Võ Đông Sơ đánh bại tướng cướp, đạp chân trên mình tướng cướp hỏi:

“Sao nhà ngươi

Đem cường quyền đạp công lý

Mượn võ lực dốc tung hoành

Nhà người có biết

Phạm tự do thì xã hội dám hy sinh

Đạp công lý quốc dân đành xả mạng”

Tên cướp ngụy biện trả lời: (trong lớp Ú của bài “Tây Thi”)

“Nước non cũng vẫn nước non

Kẻ lầu son kẻ sao phận bạc

Thân trâu ngựa nên tâm hồn cũng trâu ngựa”

thì Võ Đông Sơ ngắt lời và nói:

“Nhà ngươi nên nhớ

Lấy bạc tiền làm nô lệ cho thân hình

Chớ nhà ngươi đừng để

Vì tiền bạc mà thân hình làm nô lệ

Ôi tệ ôi rất tệ ! ! ! …”

Trong những lớp sau có nhiều đoạn rất hay, chúng tôi chỉ đơn cử lại một vài thí dụ nhỏ như tên bán quán nhất định không bán hàng hóa du nhập từ nước ngoài, chỉ dùng toàn thổ sản, lời lẽ đối đáp theo biền ngẫu rất hay:

Đốt than Tòng nấu thịt đa đa

Nhen lửa Bá hâm lòng quốc quốc

Dùng chảo sắt xáo tan bầy hổ đất

Lấy nồi đồng nấu rụi đám cải trời.

Giống khum lưng là đồ tôm luộc để ăn chơi

Thứ co gối là ếch xào xơi nhậu lủi…………

(ám chỉ những người sợ chánh quyền phải khom lưng co gối)

Có những đoạn gián tiếp chỉ trích những người nói tiếng Việt pha tiếng Tây như trong lời của cậu tiểu đồng Chanh, tỏ ra mình lanh lợi, đề nghị cho chủ là Vương Bích bằng những câu:

“Thưa cậu

Muốn tắt lửa muộn uống trà Ô long Phước Kiến

Muốn đốt thành sầu hút bạch thẩu phiến Vân Nam

Cuộc nhậu chơi thì xúc xích buộc-đam (Saucisse ’Pour Dame)

Còn ngon nữa là phô-mai buộc-phichs (Fromage ‘Bourfis)

Buồn thì chơi ten-nít (tennis)

Buồn thì chạy xạo ô-tô …”

Khi cậu tiểu đồng Chỏi chỉ trích:

“Trên thì cậu dưới hai anh em mình đều là người Việt Nam, tại sao anh không nói tiếng Việt Nam mà nói nửa Âu, nửa Á, lộn xộn lỗ tai của tôi quá!”.

Cậu Chanh trả lời:

“Tại chú mày dốt, chớ có gì mà lộn xộn

Dồi bịt bạc là buộc-đam xúc-xích

Bánh sữa tươi là buộc- phichs phô-mai

Ten-nít là trái cầu đánh vợt cầm tay

Còn ô-tô là xe hơi đổ xăng chạy máy …”

Lúc Bạch Thu Hà định quyên sinh thì có câu:

“Lò hoạn nạn há nấu nung lòng nghĩa liệt

Lửa cô cùng khó đốt cạn máu trung trinh”

Trong những bài ca lời văn cũng rất đẹp như khi Vương Bích giận Bạch Thu Hà coi thường mình bỏ nhà ra đi, nhưng cũng thương Bạch Thu Hà phải gặp cảnh gian truân, thì trong lớp 3 của bài “Thất trĩ bi hùng”, Vương Bích ca:

“Chỏi ôi ! Chỏi ôi !

Chẳng phải ta tiếc trầm hương

Ấy bởi ta xót tình thương

Chớ ta nghĩ ta như vầy

Ta phú cường

Thiếu chi người bế nguyệt tu hoa

Sắc thiên hương

Mà lòng này càng xa nghĩ xa

Thương tiếc mấy gót son vùi chôn

Mà nàng vì ta mới ra

Xông tuyết sương nắng mưa đành cam”

Những bài ca mới được đặt ra để phù hợp với hoàn cảnh của nhân vật.

Tuy mở đầu trước khi vào Tuồng theo phong cách của Cải Lương thuở ấy, phải có một lớp đầu tất cả đào kép đứng lên sân khấu ca bài “La Madelon” và khi vãn Tuồng phải ca phần điệp khúc của bản “La Marseissllaise”, nhưng lời của bài ca cậu Năm Khương đặt ra mang đậm tư tưởng dân tộc, như những câu dân ta phải giúp cho ta (bài “La Madelon”); máu nóng quyết rưới vì nước (bài “Madelon de La Victoire”). Cuối cùng thay vì điệp khúc của “La Marseissllaise” là quốc ca Pháp, cô Ba Viện và cậu Năm Khương đồng ý thay vào bài “Long Hổ Hội”, vì thế chánh quyền thuộc địa đã để ý và theo dõi gánh hát từ lúc mới lập đến ngày bị thu hồi giấy phép.

VII. Mục đích của gánh Đồng Nữ:

Gánh hát Đồng Nữ được lập ra không phải để kinh doanh, vì tất cả những tiền lời sau khi trang trải mọi chi tiêu được cô Ba Viện chuyển giúp đỡ cho những nhà cách mạng.

Gánh hát được lập ra không phải để cho khán giả “mua vui cũng được một vài trống canh” mà để giáo dục quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước và kỷ luật của diễn viên, văn chương của kịch bản cốt để xóa tan ý kiến “xướng ca vô loại”.

Trong khi các gánh hát khác chuyển hướng theo Tây, theo Tàu, thì gánh Đồng Nữ đề cao tính dân tộc trong tranh cảnh, trang phục và kịch bản.

Vì những lẽ trên đây mà tôi thấy rằng, năm 1927 và sự kiện ra đời của gánh hát Đồng Nữ Ban là những điểm đáng nhớ và là một dấu son đáng ghi lại trong lịch sử của kịch nghệ Cải Lương. Tiếc rằng trong những bài viết hoặc các quyển sách về Cải Lương chưa có ai nhắc đến sự kiện này một cách đầy đủ!

Khuôn khổ của một bài viết không cho phép tôi đi sâu vào chi tiết, chỉ đề cập những đại cương của sự thành lập gánh Đồng Nữ. Vở Tuồng “Giọt lệ chung tình” không thể dựng lại ngày nay vì thiếu yếu tố hoành tráng, tiết tấu lại chậm chứ không sôi động theo thị hiếu của khán giả. Nhưng có nhiều lớp, nhiều màn có thể dựng lại và dùng trong giáo trình đào tạo Soạn giả Cải Lương. Cũng như các bài bản mới cũng cần được phổ biến trong giới nhà nghề Cải lương Tài tử, cùng với những bản đã được phổ biến như “Sương chiều”, “Tình Bắc duyên Nam”, “Đoản khúc Lam Giang”…

VIII. Kết luận Gánh hát ĐỒNG NỮ BAN :


Sau khi nhìn qua nội dung và hình thức của gánh Cải lương Đồng Nữ Ban, tôi thấy rằng nghệ thuật Cải Lương là một nét đặc thù của văn nghệ miền Nam Việt Nam. Cải Lương có khả năng diễn tả những đề tài mà bộ môn nghệ thuật khác khó làm được. Cải lương tiếp thu kinh nghiệm của những bộ môn sân khấu khác nhưng có tính chất động nên dễ phát triển. Tôi muốn mượn lời của Nghệ sĩ nhân dân Năm Châu đã nói về bộ môn Cải Lương mà suốt đời anh gắn bó:

“Cải lương là sản phẩm của nhân dân, phản ánh trung thực nhất sự tiến thoái của dân tộc. Trải qua những biến cố thăng trầm nó vẫn còn mãi với nhân dân và nhất định không bao giờ bị tiêu diệt”.

Bình Thạnh, ngày 20-08-2008

Trần Văn Khê

Share this video :

Đăng nhận xét

 
Support : Xăm nghệ thuật
Copyright © 2011. Xăm nghệ thuật - Hình xăm đẹp - All Rights Reserved
Template Created by Giầy Khiêu Vũ
biển quảng cáo bien quang cao | hinh nen | cong ty noi that