Gánh hát Đồng Nữ Ban của Việt Nam
Gánh hát Đồng Nữ Ban của Việt NamI) Tại Việt Nam
1) Gánh hát Đồng Nữ Ban
Năm 1927, tại làng Vĩnh Kim (tỉnh Mỹ tho nay là Tiền Giang) có gánh hát của Bà Trần Ngọc Viện, (cô ruột của GS Trần Văn Khê) lập một gánh cải lương, tuy chỉ lưu diễn hơn một năm mà có rầt nhiều đặc điểm, đánh dấu của một giai đoạn phát triển của sân khấu cải lương.
1° Gánh hát không có kép Nam, toàn là nữ diễn viên, tức là vai đào cũng do nữ đóng, mang tên là Đồng Nữ Ban. Không phải toàn là “đàn bả” mà toàn là “con gái” của các gia đình nông dân, điền chủ trong làng Vĩnh Kim và các làng lân cận Đông Hoà ( tức Bình Hoà Đông thuở ấy) Rạch Gầm, Kim Sơn, Long Hưng .
2° Gánh hát không tuyển chọn đào kép chuyên nghiệp mà toàn là con gái chất phác do Cô Ba Viện (tức là Bà Trần Ngọc Viện) đào tạo .
3° Các diễn viên trong lúc luyện tập buổi đầu để được tuyển lựa vào gánh hát, từ nhà cha mẹ đến nơi tập tuồng phải đến đúng giờ về đúng lúc.
4° Có giờ học đọc, viết chữ quốc ngữ cho người nào chưa biết, học văn hoá cho người đã biềt đọc biết viềt. Có giờ học ca những bài căn bản cho đúng hơi đúng nhịp. Sau được tuyển lựa phải rời gia đình đến nhà tập tuồng cất tại làng Đông Hòa, sống như nữ sinh nội trú, có thời khoá biểu các môn học, học chữ, học nấu bếp, nữ công, may vá, thêu thùa, kể cả học võ thuật để dùng trong những lớp cần phải đánh võ thuật.
5° Khi lưu diễn, tầt cả sống chung trong một chiếc “ghe chài” to chứa được 50, 60 người. Lúc từ ghe lên rạp, từ rạp xuống ghe phải mặc đồng phục, toàn áo dài tím (vì cô Ba Viện trước kia là giáo viên dạy nữ công cho học sinh trường Nữ học đường cũng gọi là trường Áo Tím, nên thích cho diễn viên mặc áo dài tím), bắt cặp hàng hai.
6° Tích tuồng không lựa trong lịch sử Trung quốc mà lấy trong tiểu thuyết giả sử “Giọt máu chung tình” của Nguyễn Hữu Ngỡi, nhắc lại chuyện tình trắc trở giữa Võ Đông Sơ, con của Võ Tánh, và Bạch Thu Hà. Thầy tuồng là Ông Nguyễn Tri Khương, cậu thứ 5 của GS Trần Văn Khê, sắp lớp, đạt tuồng và đổi tên tuồng là “Giọt lệ chung tình”. Lời văn theo thể “biền ngẫu” có vần điệu và đối đáp.
7° Ngoài bài bản lấy trong ca nhạc tài tử thông thường như Tây Thi Cổ bản, Lưu thủy đoản, Lưu thủy trường, Hành Vân, Tứ đại Oán, và bản vừa được ưa chuộng là Dạ cổ hoài lang, Ông Nguyễn Tri Khương còn đặt thêm nhiều bản mới theo phong cách cổ truyền như Yến tước tranh ngôn (Con chim én (Yến) và con chim sẻ (tước) cãi nhau = tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu, Thất trỉ bi hùng v.v….
8° Xiêm y, trang phục do cô Ba Viện sáng chế và may, ráp không lấy áo giáp theo hát bội hát Quảng, hát Tiều.
9° Động tác đi đứng, múa đều do cô Ba Viện sắp đặt, diễn viên theo lời dạy mà “làm màu”, phải “nhập tâm, nhập vai” và diễn xuất theo tình cảm chân thật của mình, không “cường điệu”
10° Khi có đánh trận trên sân khấu, phải “đánh võ thiệt” theo lời Thầy Hai dạy võ học đúng bài do Thầy võ sắp.
Đó là những điều cần biết về gánh hát Đồng Nữ ban của cô Ba Viện sáng tạo và điều khiển.
2) Trong cung điện:
Trong Cung, dưới triều nhà Nguyễn có đội Nữ nhạc đàn trong các dịp lễ mừng thọ Hoàng Hậu, có đội Ba Vũ gồm nữ múa.
Đến đây là dứt câu trả lời cho ông Tô khắc Lâm. Chỉ muốn thêm vài chi tiết trong các nước khác tại châu Á, để có cái nhìn đối chiếu.
II) Tại châu Á:
** Bên Trung quốc dưới thời nhà Minh có Đội “Giáo phường ty nữ nhạc” đàn hát trong cung. Nhưng ngược lại Trung quốc không có những gánh hát toàn nữ diễn viên mà toàn nam diễn viên. Có hai diễn viên danh vang khắp châu Á như Mã sư Tăng, Mai Lan Phương đóng vai nữ thần tình.
** Tại Nhựt bổn diễn viên Kabuki toàn là nam và nam diễn viên đóng vai nữ rất được ưa chuộng và yểu điệu hơn cả vai nữ.
Trong hát Nô cũng vậy. Các vai chánh (Shite) múa và hát hay vai phụ (Waki) đều do nam diễn viên. Vai hề Kyôgen (Cuồng ngôn) cũng do Nam diễn viên đóng. Dàn hợp xưống 12 người Jiuta cũng toàn nam diễn viên.
** Tại Ấn Độ đoàn hát Kathakali vùng Kerala Ấn Độ miền Nam truớc kia cũng toàn là Nam diễn viên. Sau nầy mới có nữ diễn viên.
TVK
Đăng nhận xét