Tại sao có ma?
Tại sao có ma?
Không có cơ sở chính xác nào là có ma một cách chắc chắn và khoa học cho đến nay cũng chưa chứng minh hay bác bỏ hoàn toàn được. Nhưng tùy vào từng người, lứa tuổi, tôn giáo, chủng tộc mà họ tin là có ma hay không. Nói chung phụ nữ, trẻ em, người già, sống ở vùng nông thôn thì thường dễ tin là có ma hơn các vùng khác.
Cho đến nay, ma vẫn là bí ẩn đối với nhân loại, có những câu chuyện hư cấu về ma, nhưng cũng không thể kết luận được có phải hư cấu hay không. Sự bí ẩn của ma xuất phát từ giới hạn tri thức và hiểu biết của con người (nói chung) và các nhà khoa học (nói riêng).
Ma thường được miêu tả là một dạng người (mặc dù cũng hiếm khi đề cập tới ma động vật), nhưng miêu tả thông thường là "trắng bạc", "cái bóng lờ mờ", "nửa trong suốt", hay "tựa như sương mù", "đống đen thùi lùi". Ma không có cơ thể sống như con người. Xã hội của ma theo nhiều người là "âm phủ" còn chỗ ở của ma là cái mộ (sống cái nhà thác cái mồ) vì vậy họ xây dựng nhà mồ rất đẹp có nhiều nghĩa địa khang trang như một thành phố. Nhưng ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi có liên quan đến họ khi còn sống. Theo quan điểm một số người thì chỉ có người có "duyên" với linh hồn đó mới có thể nhìn thấy linh hồn hoặc chỉ những người có khả năng đặc biệt còn gọi là các nhà ngoại cảm là có thể thấy và tương tác với linh hồn hoặc ma. Nhiều người cho rằng ma có khả năng biết tất cả những gì người sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra như kết quả xổ số (số đề) hoặc có khả năng tác động lên thể xác, lời nói của người sống như hiện tượng lên đồng, tác động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi người sống ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc ma có thể tác động lên vật chất như tạo ra tiếng động, rung cây, xô lệch bàn ghế...
Trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, ma không có bóng và không được phản chiếu lên gương. Ngoài ra, đa số ma rất sợ ánh sáng Mặt Trời và các thần thánh. Do đó người ta thường dùng các loại bùa và dấu hiệu như bát quái, thánh giá, máu chó mực, củ tỏi, củ hành, cây dâu, cây đồng đình... để trừ ma. Tuy nhiên theo lời kể của một số người cho rằng họ đã từng thấy ma, các vật đó không tác dụng gì mà họ cũng chẳng giải thích được tại sao ma lại không biết sợ.
Trong các môn khoa học, chỉ có sự giải thích của bệnh học tinh thần là có thể đứng vững. Từ môn khoa học đó mà xét, hồn ma là nguyện vọng của ý thức tiềm ẩn, là cảm nhận tội ác chưa được gột rửa, là những hình thức biểu hiện sau những mảnh nhỏ lẻ của trí tưởng tượng hỗn tạp. Chúng ta tin rằng, tâm lý ý thức tiềm ẩn, đối với hành vi ý thức rất có ảnh hưởng. Bởi vậy, một người tâm thần hoảng loạn, một phụ nữ cô đơn tĩnh mịch, trong đêm mưa gió, có thể ảo tưởng thấy hình ảnh của người chồng quá cố. Cũng giống như vậy, một người tâm lý bất an, một người trưởng thành sống xa đồng loại, trong lúc nguy cấp, cũng có thể gọi lên “hồn ma” của người thân hiền từ đã quá cố từ lâu.
Người ta cho rằng, các bức ảnh được cho là ghi lại “hồn ma” đều là… trò lừa đảo, là những hình ảnh giả được tạo ra cho giới tâm linh. Thế nhưng con người cũng không phủ nhận tuyệt đối sự tồn tại của hồn ma là bởi, thực tế trên trái đất đã xảy ra nhiều việc mà không cách gì giải thích được. Việc có tồn tại hồn ma hay không hiện vẫn còn là bí ẩn đang được các học giả cố công nghiên cứu.
Đọc thêm: Ma như thế nào
Đăng nhận xét