Vào thế giới xăm mình
Chúng tôi vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP Cần Thơ gặp những người cai nghiện trẻ. Không ngại ngần, H. vén áo cho thấy những hình xăm chằng chịt. Hình quái thú trên lưng, hai con rồng lớn lượn mây trước ngực và bụng. Chưa hết, trên hai cánh tay và chân của H. cũng là những con rồng uốn khúc. H. nói phải mất hơn 6 tháng trân mình chịu đau mới được như vầy (!). Còn S. cũng không kém với những hình xăm nổi vằn nổi vện. Trên lưng là con rồng lớn, trước bụng có hình thần chết nhe răng dọa nạt và những quái điểu, quanh tay chân là hình rồng uốn khúc... Cả hai cho biết muốn được mấy hình xăm trên phải chơi ma túy cho thiệt phê, quên cả... cha mẹ mình là ai thì mới dám xăm mình. Bởi xét cho cùng, da thịt làm sao chịu nổi những mũi kim nhọn đâm luồn.
Chọn mực xăm hình nghệ thuật cũng rối rắm. Hiện nay, loại mực được dân "ken" (người chơi ma túy) dùng phổ biến nhất là mực Tàu, kế đến là loại "mực" được chế từ than của dép Lào đốt chảy ra. Bèo lắm thì lấy ruột xe đốt rồi trộn với keo dán. Dân "ken" còn rỉ tai nhau có thể sử dụng loại sữa của... phụ nữ sinh con so làm mực. Tuy nhiên, xăm mình kiểu này bị dân sành điệu chê là... "xăng pha nhớt". Và những hình xăm từ "mực sữa" chỉ nổi lên khi người xăm uống rượu hoặc chất kích thích nào đó. Giới xăm mình còn sử dụng máy xăm, giống như cây viết, đầu có kim nhọn. Xăm bằng máy tuy tạo đường nét sắc sảo nhưng dân xăm không mấy mặn mà bởi tốn nhiều tiền. Xăm một con rồng phải mất 300 đến 400 ngàn đồng, trong khi xăm bằng tay chỉ tốn 60-70 ngàn đồng. Còn chuyện có sợ lây nhiễm HIV qua các mũi kim xăm không thì các tay nghiện bảo... sống chết có số (!?).
Về hình xăm, cũng không phải muốn tự tiện xăm gì cũng được. Chỉ có một chuẩn chung là phải ngầu, càng ghê rợn càng chứng tỏ... đẳng cấp. Tuy nhiên, dân nghiện dù chơi hình nổi cỡ nào đi nữa mà gặp đối thủ chơi chình ình hình phụ nữ trên ngực thì mới thiệt là đụng thứ dữ. Đây là điều luật chỉ có dân nghiện mới biết, rằng cô Ba là người phụ nữ đầu tiên được dân xì ke tôn kính là... sư tổ. Và nghe đâu muốn xăm hình cô Ba lên ngực phải cúng bái, xin phép cũng nhiêu khê lắm. Còn như ngang tàng xăm ngang hông không thèm hỏi han cúng bái, cô về cô phạt đói thuốc cho đến chết. Và dân nghiện cũng có điều kiêng kỵ rằng, ai xăm hình cô Ba thì phải đi theo cái ống chích suốt đời cho đến chết. Ai xăm hình này giống như mang lời nguyền: "Nàng tiên nâu hỡi, chỉ có cái chết mới chia cắt được đôi ta" (!?). Đúng là lý lẽ ngang bướng!
Đời tàn theo hình xăm
Có rất nhiều lý do để cho những thanh niên biện minh cho việc xăm mình nghệ thuật của mình. Cách nay 5 năm, Thạch Minh Q. (sinh năm 1981) vẫn còn là một học sinh ngày ngày cắp sách đến trường. Khi cha Q. sắm cho chiếc xế xịn cũng là lúc Q. lả lướt suốt ngày, vui thâu đêm cùng chúng bạn ở quán đèn mờ. Q. nghiện ma túy và trên mình đầy rẫy hình xăm, vết tích của những ngày sống buông thả. Q. nói: "Ban đầu trong nhóm chỉ có một hai người xăm, sau đó ai cũng muốn trở thành "đại ca" của nhóm nên thi nhau xăm. Người sau xăm "quạu" hơn người trước. Cứ thế cuộc "cạnh tranh" tàn khốc trong nhóm bắt đầu, đến lúc cả thân thể đầy hình xăm lúc nào không hay". Còn H. và S. (cùng sinh năm 1981 tại TP Cần Thơ) lại có hoàn cảnh khác. Mới hơn 10 tuổi đầu, cả hai đã trở thành trẻ mồ côi cha mẹ. Thiếu sự quan tâm của gia đình, cả hai lao vào thói hư tật xấu: móc túi, trộm xe, nhậu nhẹt, quậy phá... H. nhát gừng nói "tui xăm tại buồn". Còn S. sau một hồi quanh co cũng nói ra lý do xăm mình là muốn cho tụi bạn lác mắt... (!).
Và lại thêm nỗi khổ là xăm rồi phá đâu dễ. Sau những phút giây bốc đồng, những thanh niên mà tôi tiếp xúc đều hối hận về những hình xăm mà mình đã tự hào tạo nên. H. kể: "Khi ra ngoài đời, em phải luôn mặc áo tay dài, sợ có ai nhìn thấy sẽ xa lánh vì tưởng là người không lương thiện, dù em đã cố gắng hoàn lương". Anh chàng K. phá làng phá xóm ngày nào cũng từng xanh mắt cầu cứu khắp nơi để phá hình xăm. Còn S. tâm sự, với thân hình chi chít hình xăm của mình, S. chỉ xóa được những hình xăm đơn giản như chữ, quan tài, bông hồng... còn những hình xăm ác quỷ, rồng thì rất khó. S. cho biết, không ít người muốn đoạn tuyệt quá khứ đã xóa hình xăm bằng cách lấy bàn ủi nóng ủi vào hoặc lấy thanh sắt nướng đỏ chụp vào chỗ xăm. Với cách xóa này họa may hình xăm sẽ mất. Tuy nhiên, chỗ xóa sẽ để lại những vết sẹo trông còn dữ tợn hơn là những hình xăm. Đó là chưa kể, vết thương bị làm độc, lở loét và sự xa lánh của cộng đồng; và nguy cơ lây nhiễm HIV từ những mũi kim xăm chung đụng với dân nghiện luôn hiển hiện.
Đăng nhận xét