"Cây gạo đại thụ" dịch thành: “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE"


"Cây gạo đại thụ" dịch thành: “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE”


Ít ngày nay, cộng đồng mạng cười sặc vì tấm bia chứng nhận cây gạo 700 năm là cây di sản Việt Nam. Lễ công nhận cây di sản được tổ chức cách đây 2 năm tại Hải Phòng. Điều đáng ngạc nhiên là buổi lễ được diễn ra khá long trọng và có nhiều quan chức địa phương cũng như Trung ương nhưng tấm bia lại được dịch sang tiếng Anh một cách ngớ ngẩn.


Tấm bia được cộng đồng mạng share nhiệt tình nhiều ngày qua.

Theo đó, cụm từ “Cây gạo đại thụ” được dịch thành “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE”; “Trồng năm 1284” dịch thành “PLANTED IN 1284”; “Giáp thân” dịch thành “BODY ARMOR”.

Người làm công việc điêu khắc hoặc người được giao nhiệm vụ làm tấm bia trên đã dùng Google Translate để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Cụ thể như sau:
Với cụm từ "cây gạo đại thụ" thì: Cây = PLANT; Gạo = RICE; Đại (trong từ đại học) = UNIVERSITY; Thụ = ACCEPTANCE. Nhưng "cao tay" hơn lại với từ "Giáp Thân", được dịch: Giáp = ARMOR; Thân = BODY

Với việc lỗi sai ngớ ngẩn này khiến cư dân mạng thi nhau share và bức ảnh trở nên có sức lan tỏa chóng mặt. Bỗng chốc tấm bia trở thành tâm điểm tranh cãi của các "anh hùng bàn phím".




Mỗi lần về quê ở Hải Phòng, thể nào tôi cũng nhào sang đền Mõ. Chả phải nghe người ta đồn nhiều về ngôi đền thiêng mà mình đâm tò mò, cũng chả phải tên tuổi nó đã được ghi vào sách sử nhiều triều đại khiến mình cung kính, có lẽ vì nhiều thứ lắm, nên cứ tiện dịp là sang thôi.


Cây gạo đại thụ trồng từ năm 1284 ngay giữa sân đền Mõ - Ảnh: Nguyễn Thông

Nói sang bởi quê tôi chỉ cách xã Ngũ Phúc (H.Kiến Thụy), nơi đền Mõ hộ khẩu thường trú một thôi đường, cưỡi xe máy thì quá nhàn, thậm chí đi bộ cũng được. Làng quê đã đổi thay nhiều so với mỗi lần sang, ồn ào hơn, lòe loẹt hơn, nhưng vẫn không giấu nổi cái nghèo cái xổi cứ quanh quất nơi này chỗ khác.

Theo nhiều tài liệu cổ, trong đó có bản Nghi Dương xã thần tích (những chuyện thần linh ở xã Nghi Dương) thì đền Mõ gắn với cuộc đời vị công chúa khá nổi tiếng triều Trần, tên gọi Quỳnh Trân, con gái lớn của đức thượng hoàng Trần Thánh Tông, chị cả đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong những người đàn bà hoàng tộc Trần, có thể bà Quỳnh Trân không tiếng tăm bằng những người để lại dấu ấn khó phai mờ như Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ thái sư Trần Thủ Độ) hoặc Huyền Trân công chúa (con vua Trần Nhân Tông) nhưng dân gian vùng duyên hải Bắc bộ thì truyền tụng về bà đậm lắm. Bà gốc hoàng tộc nhưng là người của dân gian. Sử cũ, văn chương chính thống hoặc không chính thống xưa chép về bà không nhiều, thậm chí còn có không ít né tránh, trái ngược nhau, chẳng hạn trong bộ Nam ông mộng lục (sách ghi lại những giấc mộng của ông già nước Nam) của Hồ Nguyên Trừng (con trai đức vua khởi nghiệp nhà Hồ, Hồ Quý Ly) thiên Trúc Lâm thị tịch có đoạn: “Trần thị đệ tam đại viết Nhân vương, ký truyền vị thế tử, nãi xuất gia tu hành, khắc khổ tinh tiến, tuệ giải siêu thoát, vi nhất phương tổ sư. Am cư Yên Tử sơn Tử Tiêu phong, tự hiệu Trúc Lâm đại sĩ. Kỳ tỉ hiệu viết Thiên Thụy đa thất phụ đạo” (vua thứ ba của họ Trần là Nhân vương, sau khi truyền ngôi cho thế tử, bèn xuất gia tu hành, chấp vượt gian khổ để tinh tiến, thông tuệ tìm ra hướng siêu thoát, là tổ sư một phương. Làm am sống ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Chị ngài hiệu là Thiên Thụy, làm nhiều điều trái đạo đàn bà). Đại loại thế, mỗi người mỗi ý, nhất là về những nhân vật triều Trần, triều đại mà Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư từng nhận xét “làm nhiều điều trái đạo lý”, thì lời ra tiếng vào khó tránh khỏi.

Ta trở lại với đền Mõ và công chúa Quỳnh Trân. Trên tay tôi là tập sách dày dặn Kiến Thụy xưa và nay, một công trình khoa học công phu tập hợp được cả những nhà khoa học, nghiên cứu tên tuổi như GS Vũ Khiêu, Văn Tạo, Trần Quốc Vượng, nhà sử học Dương Trung Quốc… Sách biên rằng công chúa Quỳnh Trân từ nhỏ đã mến cảnh thiền, vào năm Quý Mùi (1283) đến xã Nghi Dương (nay là Ngũ Phúc), phủ Kinh Môn thấy hợp cảnh hợp tình bèn lập một am nhỏ đêm ngày đèn hương thờ Phật. Thời gian sau, bà dựng thành chùa, tạc tượng đúc chuông, không chỉ biến ngôi chùa thành một trung tâm phật giáo của vùng mà còn thành nơi tập hợp dân chúng khai khẩn đất hoang, ổn định cuộc sống, bảo vệ vùng duyên hải phên dậu của đất nước. Từ đấy dân chúng Nghi Dương ngày càng đầy đủ, giàu có. Nghi Dương thần tích xã cũng chép rằng công chúa, lúc này như vị thủ lĩnh tinh thần, lại rất giỏi về cai quản xã hội, điều hành công việc, đã đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để người dân tiện làm ăn, sinh hoạt, nghỉ ngơi, nên dân chúng tôn bà là “bà chúa mõ” (vậy thì tên chùa Mõ và đền Mõ cũng bắt đầu từ đây chăng?). Điều này cũng phù hợp với ghi nhận của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (quyển 1, phần nhà Trần): “Thánh Tông lại bắt các vương hầu, người trong hoàng tộc phải chiêu tập những dân nghèo đói lưu lạc khai khẩn điền hoang làm trang hộ”. Tháng 10 năm Mậu Thân (1308) công chúa bị bệnh nặng, thượng hoàng Nhân Tông nhận tin đến thăm. Chuyện này, Nam ông Mộng lục có ghi: “Đại sĩ tại Tử Tiêu, văn tỉ bệnh cức, nãi hạ sơn vãng thị, vị Thiên Thụy viết “tỉ nhược thời chí, tự khứ, kiến minh gian vấn sự tắc ứng viết: nguyện thiếu đãi, ngã đệ Trúc Lâm đại sĩ thả chí”. Ngôn bất hoàn sơn. Sổ nhật chí am, phân phó đệ tử hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy diệc dĩ thị nhật tốt” (Đại sĩ ở Tử Tiêu, nghe tin chị hấp hối, bèn xuống núi lại thăm, nói với Thiên Thụy “nếu chị đến lúc rồi thì cứ đi, dưới âm phủ có hỏi chuyện thì nhớ trả lời: xin đợi một chút, em ta là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến”. Nói xong về núi. Đi mấy ngày đến am, dặn dò đồ đệ hậu sự, bỗng nhiên ngài ngồi hóa. Thiên Thụy cũng ngày hôm đó qua đời). Ngày đó tức là ngày 3 tháng 11 Mậu Thân (1308), ngày giỗ của cả Phật hoàng Trần Nhân Tông và chị ngài, Quỳnh Trân công chúa. Sau khi bà mất, vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ phong bà là Ả nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, lại truyền cho 5 xã vùng Nghi Dương rước sắc về lập đền thờ. Từ điều này ta có thể thấy chùa Mõ có trước, đền Mõ có sau, đền do dân biết ơn bà công chúa, và cũng do tuân lệnh triều đình mà dựng lên. Tuổi của ngôi đền (ngay sát chùa), ít nhất cũng được tính từ đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), nay đã dư 700 năm.

Tôi cứ tò mò, vậy thì cây gạo sừng sững giữa sân, ngay lối cổng đền đi vào kia, có phải do bà chúa Mõ - công chúa Quỳnh Trân trồng chăng… Biển đá trang trọng dưới gốc cây ghi rõ “cây gạo đại thụ trồng năm 1284 - Giáp Thân”, tức khi bà chúa Mõ mới chuyển khẩu về. Hỏi chuyện cụ từ, cụ cũng lắc đầu, bảo đời cụ kỵ truyền rằng khi các cụ còn sống đã thấy cây như vậy, dường như dăm bảy chục năm, thậm chí cả trăm năm cũng chẳng khiến cây hề hấn thay đổi gì. Người già thường bảo cây cối cũng có hồn, nhất là những lão thụ đạt ngoài bách tuế. Bộ gốc xù xì nổi u gân guốc kia, trải mấy chục vạn ngày, đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ đi qua đời nó. Giá như có cách nào đó mà gõ mà hỏi cái thớ gỗ tít tận trong cùng cơ thể già nua lực lưỡng của cụ mộc miên rằng bà công chúa những ngày ấy đã nói gì làm gì, biết đâu tìm được lời giải rõ ràng. Mà chi li vậy để làm chi nhỉ, chỉ cần tỏ một điều, cụ cây sắp vào hàng thiên tuế suốt hơn 7 thế kỷ nay gắn liền với tên tuổi, sự tích của bà chúa Mõ, với mọi dâu bể của vùng đất này.

Lần nào thăm đền, việc đầu tiên của tôi là kính cẩn chiêm bái, ngước nhìn tít lên vòm cao xanh của đại lão thụ mộc. Phía trên sự khoáng đạt mà rậm rạp kia 700 năm mây trắng đã bay qua. Hồi tôi còn ở nhà, mấy trận bão lớn, nhất là trận cuồng phong năm 1967 và năm 1972 đã quật ngã biết bao cổ thụ ở nhiều xã trong vùng, riêng cụ gạo đền Mõ vẫn trụ vững trơ trơ, chỉ gãy mất ít cành phía nam. Nghe kể rằng bão tan, những người đến thu dọn cành gãy vừa dọn vừa khóc, họ không nỡ (hoặc không dám) bỏ chung những khúc mẩu lịch sử đó vào chung đống củi cành nhãn, cành bàng tạp nham mà để riêng về phía sau đền cho mục dần.

Ở nhiều nơi đồng bằng Bắc bộ, cây gạo là hình ảnh thân quen, gắn bó với người nông dân. Thời sinh viên tôi từng đi thực tế vùng Hà Nam, Phủ Lý, cực kỳ ấn tượng với những hàng gạo cổ thụ thả hoa đỏ rực ven dòng Châu Giang. Nói đâu xa, ngay làng quê tôi, phía sau ngôi đình thờ bà hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn nhà Mạc cũng có hai cụ gạo cổ thụ mấy trăm tuổi, chỉ tiếc khi người ta phá đình để lấy gỗ làm trại chăn nuôi thì cũng tiện tay xiến luôn hai gốc gạo mấy người ôm. Thiếu cây gạo, mỗi lần đi đâu về nhìn vào khoảng trống vắng đó mà rưng rưng, dường như thiếu, mất một cái gì đó không sao bù đắp được.

Cụ gạo đền Mõ sinh sắc nhất, đẹp nhất là cữ tháng hai âm lịch. Không gian đỏ rực, hoa gạo bay xoay rải kín vùng rộng cả ngàn mét vuông, lúc chập chờn trong mờ ảo mưa xuân, lúc như tấm áo choàng đỏ phủ tràn hết sân vườn, mái đền mái chùa. Hơn 7 thế kỷ trước, khi quét những bông gạo đầu mùa, liệu sư bà - công chúa Quỳnh Trân có hình dung được cả chục đời sau cháu chắt chút chít của người vẫn tiếp nối quét nhặt những dấu ấn lịch sử nóng hổi do tổ tiên để lại. Liệu có bông gạo nào từ thời chúa bà còn sót lại không nhỉ? Tôi vẫn định ngỏ với cụ từ rằng cứ mỗi mùa hoa gạo, xin cụ hãy nhặt những bông gạo tươi tắn lành lặn nhất xếp đầy một đĩa dâng lên bàn thờ bà. Con cháu luôn nhớ ơn bà - người khai hoang mở đất, dựng xây đất nước. Và điều này, xin bà linh thiêng mà chứng giám, càng thêm vui để phù hộ lớp hậu sinh: Năm 1991, đền Mõ được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia; và năm 2008 cây gạo đền Mõ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức lễ công nhận và đặt bia Cây di sản Việt Nam, một loại di sản quý hiếm của quốc gia.

Khi tôi thắp nén hương kính cẩn chào đại lão thụ mộc, cụ từ cho biết thêm: Ngôi đền linh thiêng, cùng cụ gạo 7 thế kỷ đã từ lâu trở thành điểm du lịch tâm linh cho tất cả những ai muốn trở về nguồn cội.

Nguyễn Thông
Cuối tiết xuân Nhâm Thìn

Share this video :

Đăng nhận xét

 
Support : Xăm nghệ thuật
Copyright © 2011. Xăm nghệ thuật - Hình xăm đẹp - All Rights Reserved
Template Created by Giầy Khiêu Vũ
biển quảng cáo bien quang cao | hinh nen | cong ty noi that