PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI NHẬT
1.Tôn trọng quyết định của nhóm:
Nhật Bản là một xã hội luôn nhấn mạnh “Chúng tôi” thay vì “Tôi”. Các quyết định quan trọng thường được thảo luận và chỉ khi có sự nhất trí thì mới được đưa ra. Cũng vì mọi kết quả đều là nỗ lực của cả tập thể nên sẽ không phù hợp khi bạn ngợi khen một cá nhân cụ thể.
Chúng ta học được gì từ đó? Người Nhật quan niệm thành công là nỗ lực của cả nhóm và không ai có thể tự thành công. Họ nhấn mạnh giá trị của việc mọi người làm việc cùng nhau. Họ ưu tiên một quy trình thảo luận mang tính hợp tác mà đôi khi có thể chậm một chút, nhưng cuối cùng, vẫn đảm bảo được rằng tất cả mọi người đều có tiếng nói chung. Người Nhật hiểu rằng việc đảm bảo mọi phần thưởng được chia đều giữa các thành viên sẽ không làm nảy sinh sự ghen tị, so đo.
2.Học cách nói giảm nói tránh:
Người Nhật luôn chủ động hạn chế những tình huống đối đầu. Họ không thích và không bao giờ nói “Không”. Mọi lời nói và phép tắc giao tiếp của họ được phối hợp nhằm tránh gây hiềm khích nơi người nghe.Thay vì đi thẳng vào vấn đề, người Nhật thường gợi ý nhẹ nhàng, nói bóng gió. Đôi lúc, họ nói một cách rõ ràng hơn nhưng rất cẩn trọng để không làm người khác bị phật ý hay tức giận.Chúng ta học được gì từ đó? Chúng ta học được sự tôn trọng và nhã nhặn không những đối với đối tác mà cả đồng nghiệp. Không gì tệ cho bằng khi chúng ta miệt thị nhau hay tức giận đến “đỏ mặt tía tai” trong các cuộc họp. Tính tự chủ cao của người Nhật giúp cho họ luôn bình tĩnh và không áp đặt ý chí của bản thân lên người khác. Để đạt được khả năng này, bạn cần dành thời gian lắng nghe cẩn thận lời người khác nói và lời của chính mình. Nhờ đó bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu không hay và điều chỉnh trước khi mọi chuyện trở nên tệ hại.
3.Đúng giờ là thể hiện sự tôn trọng:
Giới công sở xứ hoa anh đào đặt nặng giá trị của “kao”, tức là thể diện. Khái niệm “thể diện” bao gồm niềm tự hào cá nhân, danh tiếng và địa vị xã hội. Bất kỳ một hành động nào có thể khiến cho họ bị mất mặt sẽ bị coi là độc hại trong môi trường công sở, và sẽ bị kịch liệt phản đối. Để giữ được thể diện, bạn phải học cách thể hiện lòng tôn trọng cao nhất. Cách đơn giản nhất là đến đúng giờ đối với bất kỳ cuộc hẹn nào. Người Nhật thường đến sớm một chút.Chúng ta học được gì từ đó? Đúng giờ là một thói quen tốt để chúng ta được người khác tôn trọng. Không có gì bất lịch sự bằng việc để cho người khác chờ đợi bạn. Vì thế, bạn hãy sắp xếp lịch trình cho mìnhmột cách hợp lý.
4.Duy trì liên lạc:
Ở Nhật Bản, gọi điện và hẹn gặp trực tiếp được đánh giá cao hơn rất nhiều so với gửi thư, fax hay email. Dành thời gian để tiếp xúc trực tiếp với đối tác được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng họ. Người Nhật rất coi trọng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, vì vậy khi làm việc ở đây, bạn cần biết cách duy trì liên lạc qua lại, gián tiếp hoặc trực tiếp. Chúng ta học được gì từ đó? Người Nhật đưa việc làm quen và tạo dựng mối quan hệ lên một tầm mới bởi họ hiểu được giá trị của chúng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc tiếc thời gian khi giữ liên lạc với người khác.Chúng ta học được gì từ đó? Chúng ta hạn chế việc trao đổi thư từ nhưng điều đó thể hiện sự thiếu bền chặt của các mối quan hệ. Hãy noi gương người Nhật bằng cách quan tâm hơn tới việc luôn “giữ ấm” cho mọi mối quan hệ công việc của bạn.
Văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản
Trong giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng người tham gia giao tiếp. Những biểu hiện đầu tiên trong quá trình giao tiếp của người Nhật là thực hiện những nghi thức chào hỏi. Tất cả các lời chào của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như thế nào phụ thuộc vào địa vị xã hội, từng mối quan hệ xã hội của mỗi người khi tham gia giao tiếp.Một quy tắc bất thành văn là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên... Người Nhật sử dụng ba kiểu cúi chào sau:
+ Kiểu Saikeirei: cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.
+ Kiểu cúi chào bình thường: thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15cm.
+ Kiểu khẽ cúi chào: thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông. Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay.
+ Giao tiếp mắt: người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại, mà họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa..., hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên. Nếu khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.
+ Sự im lặng: người Nhật có khuynh hướng nghi ngờ lời nói và quan tâm nhiều đến hành động, họ sử dụng sự im lặng như một cách để giao tiếp và họ tin rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều. Trong buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường ít lời nhất và những gì anh ta nói ra là quyết định sau cùng, im lặng cũng là cách không muốn làm mất lòng người khác.
+ Gián tiếp và nhập nhằng: thường thì họ giải thích ít những gì họ ám chỉ và những câu trả lời thì cũng rất mơ hồ. Họ không bao giờ nói “không” và chẳng nói cho biết rằng họ không hiểu. Nếu cảm thấy bất đồng hoặc không thể làm những yêu cầu của người khác họ thường nói “điều này khó”.
Người Nhật rất chú trọng làm sao cho người đối thoại cảm thấy dễ chịu. Họ không bao giờ muốn làm phiền người khác bởi những cảm xúc riêng của mình, cho dù trong lòng họ đang có chuyện đau buồn nhưng khi giao tiếp với người khác họ vẫn mỉm cười. Dù người Nhật rất khoan dung với người nước ngoài về khoản này, nhưng sẽ là một lỗi trong giao tiếp nếu không dùng ngôn ngữ lễ phép và kính ngữ khi dùng tiếng Nhật để nói chuyện với người có địa vị cao hơn. Kính ngữ “san” có thể dùng khi bạn nói tiếng Anh nhưng đừng dùng nó để gọi chính mình. Tên người Nhật có họ để phía trước nhưng họ cũng thường để ngược lại vì lợi ích của người Tây phương trong giao tiếp.
Nụ cười hay tiếng cười của người Nhật có thể là do họ cảm thấy bối rối hoặc khó chịu, và có thể không mang nghĩa là họ đang vui. Sẽ là thô lỗ nếu khi không gửi thiệp trong ngày Tết của Nhật khi nhận được thiệp gửi cho bạn. Nhưng nếu gửi thiệp ấy tới một tang gia chưa giáp năm là lỗi trong giao tiếp. Với người Nhật, việc tặng tiền thường bị xem là thô lỗ, tiền mặt là loại quà cáp quy chuẩn trong đám cưới hay cho trẻ em trong năm mới.
Nhật Bản là một xã hội theo đẳng cấp dọc, vì thế người Nhật không có quan niệm về sự “bình đẳng” giống như các nước khác. Các mối quan hệ ở Nhật theo khuynh hướng người trên và kẻ dưới, người chủ hoặc sếp trong công ty được ví như cha mẹ và nhân viên được xem như con cái trong gia đình. Lòng trung thành đối với cấp trên và công ty được người Nhật đánh giá như một phẩm chất cao quý. Trong các công ty, chấp hành kỷ luật và tôn trọng cấp trên cũng như tôn trọng những người thâm niên hơn là nền tảng cho các mối quan hệ. Trước khi thiết lập mối quan hệ với ai đó, họ cần biết được cấp bậc của người ấy để cư xử cho đúng phép tắc. Danh thiếp cung cấp những thông tin này, nên bạn phải trao danh thiếp của mình ngay khi chào hỏi lần đầu tiên.
Danh thiếp phải được cho và nhận bằng hai tay. Người Nhật luôn trông đợi tấm danh thiếp của mình được người khác xem và ngắm nghía ngay khi nhận. Trong suốt cuộc gặp gỡ, danh thiếp nên được để trên bàn. Sau khi gặp xong phải được trân trọng cho vào ví và không bao giờ được nhét trong túi quần sau.
Nguyên tắc khi giao tiếp:
+ Đến sớm hơn vài phút trước giờ hẹn, người có cấp bậc cao nhất sẽ là người tiến vào phòng đầu tiên, chủ nhà là người giới thiệu những thành viên tham dự và theo cấp bậc từ cao đến thấp.
+ “Họ” được dùng để giới thiệu cùng với cấp bậc thay vì dùng tên.
+ Phải có khoảng cách khi đứng giao tiếp, khi giới thiệu họ thường cúi đầu chào nhau, cúi cao hay thấp thì tùy vào cấp bậc, cấp bậc càng cao thì cúi đầu càng thấp.
+ Khi bắt tay với họ thì không nên giao tiếp mắt và siết mạnh, thường thì các vị cao cấp bắt tay trước khi ra về và hãy để cho người khách quan trọng nhất bước ra khỏi phòng trước.
Những tinh thần chủ đạo của văn hóa doanh nhân là:
- Doanh nhân phục vụ đất nước.
- Quang minh chính đại.
- Hòa thuận nhất trí.
- Lễ độ khiêm nhường.
- Phấn đấu vươn lên.
- Đền đáp công ơn.
Các quy tắc kinh doanh của văn hóa kinh doanh Nhật Bản:
- Lợi nhuận thu được từ việc phục vụ xã hội đó là niềm tự hào.
- Cần nuôi dưỡng niềm tin: Nhờ có công ty của mình thì nền kinh tế xã hội mới vận hành bình thường được.
- Phải biết ơn và kính trọng khách hàng: họ là người thân, là người thầy của doanh nhân. Phải luôn thấu hiểu cái lý của họ. Phải đáp ứng kỳ vọng của họ, họ là trung tâm trong các hoạt động của doanh nhân.
- Với người Nhật, không vì lấy lòng khách hàng mà hạ thấp nhân viên.
- Vấn đề không phải là vốn mà là sự tín nhiệm.
- Phấn đấu làm ra sản phẩm có chất lượng, nhưng phổ biến sản phẩm đến mọi đối tượng mới quan trọng nhất.
Đăng nhận xét