Bệnh lao lây qua đường nào
Xem thêm: Bệnh lao não
Bệnh lao lây truyền như thế nào?
Tất cả các thể lao đều dẫn đến lây nhiễm nếu có hiện tượng phát tán vi khuẩn lao ra ngoài; trong đó, lao phổi dễ lây truyền nhất. Vi khuẩn bệnh lao xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá, qua tiếp xúc hoặc truyền từ mẹ sang con.
Phần lớn vi khuẩn lao được tung ra do ho khạc, hắt hơi, thậm chí nói chuyện. Người khỏe mạnh hít phải các giọt bệnh phẩm nhỏ li ti bay lơ lửng trong không khí và nhiễm bệnh. Vi khuẩn lao cũng đi vào cơ thể nếu ta dùng thức ăn nhiễm khuẩn. Nó cũng truyền qua các vết cắt hoặc sây sát trên da, niêm mạc mắt, họng. Người mẹ truyền khuẩn lao cho thai nhi qua tĩnh mạch rốn (gây bệnh lao bẩm sinh).
Sau khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể, bệnh diễn biến qua 2 giai đoạn: lao nhiễm và lao bệnh. Đầu tiên, cơ thể huy động "đội quân bảo vệ" đến, gồm đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và lympho. Đại thực bào có nhiệm vụ ăn các vi khuẩn lao (nếu nó không giết được vi khuẩn thì sẽ bị chúng phá hủy). Các lympho hình thành miễn dịch.
Quá trình nhiễm lao kết thúc khi cơ thể thắng thế, tổn thương trở thành xơ hóa, vôi hóa, vi khuẩn lao phần lớn bị tiêu diệt, phần còn lại ở trong trạng thái không chuyển hóa và là nguồn gốc của bệnh lao nội sinh sau này. Nếu cơ thể không thắng thế, vi khuẩn lao tiếp tục sinh sôi, xâm nhập vào đường bạch huyết rồi hạch bạch huyết. Các triệu chứng sơ nhiễm lao xuất hiện.
Chỉ khoảng 10% số người nhiễm lao trở thành lao bệnh. Ở những người nhiễm HIV/AIDS, tỷ lệ này lên tới 30%. Trong 80% trường hợp, giai đoạn lao bệnh xuất hiện trong 2 năm đầu sau khi nhiễm lao. Bệnh lao có thể xảy ra rất sớm ngay trong giai đoạn nhiễm lao (như bệnh lao sơ nhiễm). Trẻ càng nhỏ, bệnh lao sơ nhiễm càng dễ xảy ra. Nếu phát hiện và điều trị chậm, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào máu, gây tổn thương ở nhiều bộ phận như màng não, hạch, xương khớp... và nặng nhất là lao kê. Người cao tuổi cũng có thể mắc những bệnh lao thể nặng.
BS Bình Lâm, Sức Khoẻ & Đời Sống
Nguồn: Vnexpress.net
Đăng nhận xét